Header Ads Widget

Responsive Advertisement

BẢO HIỂM XE Ô TÔ LÀ GÌ ?

Nếu bạn đang sử dụng/ sử hữu xe ô tô thì chắc hẳn bạn bắt đầu quan tâm đến việc bảo hiểm cho chiếc xe của mình? Vì sao vậy? Có lẽ là do tầm quan trọng của nó, hay do số tiền mà bạn bỏ ra để mua nó lớn hơn rất rất nhiều lần so với khi bạn sử dụng xe máy ( chỉ 66.000đ đến 86.000 đ -> Một số tiền quá nhỏ nên bạn không quan tâm đến tác dụng của nó chăng)… hay bạn thắc mắc vì sao khi sở hữu xe ô tô bạn bị bắt buộc mua bảo hiểm?
Vậy bạn đã tìm đúng địa chỉ rồi đấy, vì trong bài viết này tôi sẽ giải đáp cho bạn mọi thắc mắc trên, qua đó bạn có thể hiểu một cách cơ bản nhất về bảo hiểm xe cơ giới nói chung và xe ô tô nói riêng.
bảo hiểm ô tô là gì
Trước hết, ta nên hiểu “ bảo hiểm” là gì? Có rất nhiều khái niệm, đại loại như: Bảo hiểm là biện pháp chia sẻ rủi rocủa một người hay của số ít người cho cả cộng đồng những người có khả năng gặp rủi ro cùng loại, bằng cách mỗi người trong cộng đồng góp một số tiền nhất định vào một quỹ chung và từ quỹ chung đó bù đắp thiệt hại cho thành viên trong cộng đồng không may bị thiệt hại do rủi ro đó gây ra.
Thật dài dòng và hơi khó hiểu phải không? Các bạn cứ hiểu nôm na thế này: Bảo hiểm tức là bảo vệ chúng ta khỏi nguy hiểm/ rủi ro về mặt tài chính.
Vậy Bảo hiểm bảo vệ như thế nào? Khi bạn mua bảo hiểm từ một công ty bảo hiểm, tức là bạn mua lấy sự an tâm, và chuyển giao sự rủi ro lại cho công ty bảo hiểm, số tiền mà bạn trả cho công ty bảo hiểm để mua lấy sự an tâm đó gọi là phí bảo hiểm.
Đến đây, chắc hẳn các bạn đã hiểu thế nào là bảo hiểm rồi. Giờ chúng ta sẽ tìm hiểu các loại hình bảo hiểm xe ô tô, và tại sao lại có các loại bảo hiểm như vậy?
1. Bảo hiểm Trách nhiệm dân sự ( TNDS) bắt buộc của chủ xe đối với người thứ 3.
Nghe cái tên gọi dài dòng nhỉ. Tôi sẽ giải thích từ ngữ trước để các bạn dễ hiểu nhé.
+ TNDS là trách nhiệm bồi thường của 1 cá nhân, tổ chức ( Vd như xe mang tên công ty, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước) gây thiệt hại đến tài sản, sức khoẻ… của chủ thể khác mà hành vi đó chưa phải là tội phạm theo quy định tại Bộ luật hình sự ( nên mới gọi là dân sự .. )
Ví dụ: khi bạn lái xe trên đường, do bạn không cẩn thận ( do chạy ẩu, …) nên tông vào xe máy đang lưu thông trên đường ->làm xe máy bị hư, người lái xe máy bị thương -> khi đó bạn phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bên xe máy, và khi đó trách nhiệm của bạn đối với người kia gọi là trách nhiệm dân sự ( chưa cấu thành hình sự nhé).
Và để đảm bảo bên xe gây tai nạn đủ khả năng tài chính bồi thường cho bên bị hại ( tức là thực hiện được trách nhiệm dân sự của mình)  nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp của bị hại thì nhà nước ta bắt buộc chủ xe ô tô phải mua bảo hiểm TNDS.
Nếu không bắt buộc mua BH TNDS, thì khi 1 xe lưu thông trên đường chẳng may gây ra tai nạn dẫn đến người bị nạn thương nặng/ tử vong, mà hoàn cảnh của lái xe/chủ xe ô tô gây tai nạn quá khó khăn ( như vay tiền ngân hàng để mua 1 xe tải để chạy chở hàng thuê) thì khi đó việc bồi thường sẽ rất khó khăn, gia đình người bị nạn thì không có tiền để lo hậu sự, ổn định lại cuộc sống, người gây tai nạn thì vô tù vì ko thực hiện đc trách nhiệm bồi thường, ko được bên bị hại bãi nại, khiếu kiện… v.v và v.v
Người thứ 3 là gì? Là ai? Công ty bảo hiểm và bạn chính là người thứ 1 và 2. Vậy người thứ 3 chính là bất cứ ai, bất cứ cái gì không phải là bạn hoặc công ty bảo hiểm.
Ví dụ: Khi bạn lùi xe tại nhà không may bạn để xe đụng vào xe máy trong nhà, làm xe máy hư hỏng. Về nguyên tắc bạn là người gây tai nạn thì bạn phải bồi thường và công ty bảo hiểm sẽ bồi thường lại cho bạn, nhưng nếu xe ô tô và xe máy đều mang tên của bạn/ hoặc thuộc sở hữu của bạn thì trường hợp này cty bảo hiểm không bồi thường TNDS NT3 được ( vì xe máy đó là tài sản của bạn chứ không phải của người thứ 3), nếu xe máy đó là của người khác thì cty BH phải bồi thường.
=> Trên đây là các kiến thức về bảo hiểm TNDS bắt buộc.
Có bảo hiểm bắt buộc thì cũng có thứ bảo hiểm gọi là bảo hiểm tự nguyện – tức là ai thích thì mua, không thích thì thôi, chẳng ai bắt bạn phải mua cả. Dưới đây, tôi chỉ nói về bảo hiểm được nhiều người quan tâm nhất đó là bảo hiểm tự nguyện xe ô tô – Bảo hiểm vật chất xe ô tô – hay là bảo hiểm thân xe – có người là bảo hiểm hai chiều ( cái này không chính xác lắm, tôi sẽ giải thích ở cuối bài).
2. Bảo hiểm vật chất xe ô tô (VCX).
Bảo hiểm vật chất xe ô tô là loại hình bảo hiểm cho thiệt hại về vật chất xe ô tô do những tai nạn bất ngờ, không lường trước và ngoài sự kiểm soát của lái xe/ chủ xe trong những trường hợp: Đâm, va, lật, đổ, cháy, nổ, rơi, chìm; thiên tai( bão, lũ lụt, sét đánh, …); Mất cắp, mất cướp toàn bộ xe; Bị các vật thể khác rơi, va chạm vào xe.
bao hiem o to
 Như vậy, hành động cố ý gây tai nạn, gây thiệt hại của lái xe/ chủ xe/ người có quyền lợi liên quan là không được bảo hiểm nhé. ( Nhiều người thấy đèn pha xe mờ/ vô nước rồi lấy búa đập bể đi Bảo hiểm là bị cty Bảo hiểm từ chối nhé).
– Hư hỏng do quá trình sử dụng như lốp xe đi mòn quá dẫn đến nổ lốp thì chủ xe tự chịu vì cái này không phải do tai nạn bất ngờ.
Phạm vi bảo hiểm là như vậy, nhưng không phải trường hợp nào bạn cũng được công ty bảo hiểm bồi thường đâu. Nếu tai nạn thuộc trong những trường hợp sau thì bị loại trừ bảo hiểm , tức là cty Bảo Hiểm không bồi thường:
+ Hành động cố ý ( như đã nói ở trên)
+ Xe không có đăng kiểm ( đăng kiểm hết hạn)
+ Lái xe không có bằng lái hợp lệ
+ Đua xe
+ Thiệt hại mang tính chất gián tiếp ( như xe bị tai nạn mà lái xe không gọi cứu hộ, hoặc khắc phục lại mà cố tính chạy tiếp dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng, ví dụ: bạn lái xe đi trên đường xấu bị sụp ổ gà làm vỡ các te dầu bôi trơn, dẫn đến hết dầu, bó máy, hỏng động cơ… thì trường hợp này cty Bảo hiểm có thể từ chối bồi thường thiệt hại động cơ, mà chỉ bồi thường cái các te dầu thôi.); giảm giá trị thương mại xe ( tức là xe bị mất giá do tai nạn thì cái phần thiệt hại đó không thuộc trách nhiệm của BH)
+ Tai nạn ngoài lãnh thổ VN ( nếu bạn chạy xe qua Lào chơi và bị tai nạn bên đó thì bạn tự chịu nhé) trừ khi bạn có mua thêm điều khoản bổ sung.
+ Xe đang chở hàng cấm ( như ma túy chẳng hạn)
+ Thiệt hại do chiến tranh, bạo loạn.
Ngoài ra, những trường hợp sau cũng không được công ty bảo hiểm bồi thường.
+ Hao mòn, hư hỏng do sử dụng, lão hóa ( như cao su gạt mưa), khuyết tật hay hỏng hóc thêm do sửa chữa và chạy thử xe.
+ Hư hỏng về phần điện, máy móc không phải do tai nạn quy định ở trên.
+ Tổn thất đối với săm lốp ( trừ trường họp do tai nạn cùng với các bộ phận trên xe trong cùng 1 vụ )
+ Mất cắp bộ phận của xe ( như bị mất cắp gương hậu, lo go xe, …)
+ Những vụ tổn thất dưới mức miễn thường ( mức miễn thường là số tiền mà bạn phải tự chịu, công ty Bảo hiểm không bồi thường). Đối với các cty VN thông thường mức này là 500.000 đ, đối với BH Liberty thì 1tr đến vài triệu tùy theo bạn lựa chọn ( nếu chọn mức miễn thường cao thì phí bảo hiểm sẽ thấp và ngược lại).
Ví dụ: bạn chọn mức miễn thường là 500.000 đ thì những vụ tai nạn mà số tiền sửa chữa dưới 500.000 đ thì bạn tự chịu, nếu trên 500.000 đ thì cty BH chịu.
Mức miễn thường thì có miễn thường khấu trừ và không khấu trừ. Ví dụ ở trên là mức miễn thường không khấu trừ; Mức miễn thường có khấu trừ ( ví dụ lấy mức 500.000 đ) thì khi số tiền sửa chữa dưới 500.000 đ bạn tự chịu, trên 500.000 đ thì bạn chịu 500.000 đ, công ty Bảo hiểm chịu số tiền còn lại.
Ví dụ: Số tiền sửa chữa xe do tai nạn là 5.000.000 đ thì bạn chịu 500.000 đ, bảo hiểm chịu 4.500.000 đ.
– Đặc biệt lưu ý: Trường hợp bạn chạy xe trên đường bị xe khác đụng vào dẫn đến hư hỏng, thì dù bạn có mua bảo hiểm VCX hay không thì bạn đều được bồi thường – vì người bồi thường cho bạn là bên xe gây ra tai nạn. Cũng có trường hợp, chủ xe bị nạn đã nhận tiền bồi thường rồi, nhưng sau đó yêu cầu công ty bảo hiểm bồi thường tiếp thì có được không?  Nếu được chắc ai cũng muốn bị đụng để lấy tiền 2 lần quá ! Tất nhiên là trong những trường hợp như vậy, phía công ty bảo hiểm ( dựa vào kinh nghiệm của họ) sẽ yêu cầu bạn khai địa điểm bị tai nạn, ngày giờ tai nạn để họ xác minh… 90% bạn dựng lại hiện trường là không khớp với thiệt hại của xe đâu, trừ những tổn thất nhỏ vài trăm ngàn, hoặc là bị xe máy va quẹt vỡ đèn hậu bị bạn bắt được, bạn lấy tiền từ xe máy rồi về khai lại với công ty bảo hiểm là xe máy bỏ chạy rồi không biết biển số thôi… cái này người ta gọi là trục lợi bảo hiểm đấy ! là phạm pháp nên tôi hi vọng, khi bạn đã tham gia BH và bị tai nạn thì báo ngay cho công ty bảo hiểm để họ đến hiện trường và phối hợp với bạn để giải quyết.
Nhưng nếu người gây tai nạn cho bạn không chịu bồi thường? thì tốt nhất bạn gọi công an giao thông đến xử lý thôi, rồi sau đó làm cái giấy chuyển quyền đòi người gây tai nạn ( đòi người thứ 3) cho công ty bảo hiểm để họ đi đòi, còn bạn xin xe ra và yêu cầu bảo hiểm bồi thường trước cho bạn, còn chuyện cty bảo hiểm đòi bên kia được bao nhiêu là việc của họ.
– Như vậy, bạn đã hiểu thế nào là Bảo hiểm TNDS bắt buộc đối với NT3 và BH VCX ô tô, khi bạn tham gia đủ cả hai loại bảo hiểm trên thì bạn đã yên tâm rồi, vì nếu chẳng may bạn gây ra tai nạn cho xe khác làm 2 xe hư hỏng thì Bảo hiểm TNDS sẽ bồi thường cho hư hỏng của xe bị xe bạn đụng vào, và BH VCX sẽ bồi thường cho hư hỏng của xe bạn. Như vậy là Bảo hiểm sẽ bồi thường cho cả 2 xe => Nên mới gọi là Bảo hiểm 2 chiều.
Chú ý: Nhiều người lầm tưởng xe mua bảo hiểm 2 chiều là xe bị đụng cũng được bồi thường. Thật sai lầm !
– Một điều lưu ý nữa, khi tham gia BH VCX ô tô bạn nên mua mở rộng thêm phạm phi bảo hiểm sau:
+ Điều khoản lựa chọn đơn vị sửa chữa: hãy mua điều khoản này để khi xe bị hư hỏng bạn có thể chọn đưa xe vào gara hoặc hãng xe mà bạn tin tưởng. Nếu không mua, công ty BH sẽ đề xuất s/c ở garage ngoài ( chứ không phải hãng) vì chi phí s/c thấp.
+ Điều khoản không khấu hao phụ tùng thay mới: ví dụ xe vị vỡ đèn, nếu không có điều khoản này thì khi thay đèn mới vào cty BH sẽ tính khấu hao % tùy theo số năm sử dụng.
+ Điều khoản bảo hiểm mất cắp bộ phận : Cái này đặc biệt quan trọng với xe sang như Audi, BMW, Mẹc..
+ Điều khoản thiệt hại do ngập nước làm hư hỏng ht điện và thủy kích hư hỏng động cơ: Ai ở Sài gòn, Hà Nội thì nên mua, cứ mưa là ngập đường thôi.
.Hi vọng, những thông tin trên sẽ giúp ích được ít nhiều cho bạn.
Hãy để lại commnent nếu bạn có thắc mắc, ý kiến gì. Ở bài tiếp theo, tôi sẽ phân tích cho bạn Bảo hiểm xe ô tô nào tốt nhất tại thị trường Tp.HCM vào thời điểm này.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét